Sáng tạo và sự sao lãng

715

Trong bài Sáng tạo và nguyên tắc Jardin có nhắc đến cụm từ sao lãng trong việc vượt qua giai đoạn 2. Để hiểu rõ sự sao lãng kích thích quá trình sáng tạo thế nào, bài viết sau giúp bạn hiểu rõ vấn đề đó.

Ví dụ sau đây có quen thuộc với bạn không

Bạn đang viết một bảng báo cáo hoặc đang suy nghĩ tìm ra một giải pháp hay ý tưởng nào đó, làm đến phân nữa thì phải bỏ dỡ vì bạn không thể nặn ra một chữ nào hay một ý tưởng nào để làm tiếp. Các tình huống sau có thể xảy ra:

  • Bạn đi ra ngoài hóng gió,
  • Bạn hút một điếu thuốc
  • Qua phòng khác trò chuyện với đồng nghiệp
  • Lướt web, đọc tin tức hoặc chơi trò chơi
  •  Hỏi ý kiến đồng nghiệp
  •  Bỏ qua và làm một công việc khác….

Sau một thời gian không tập trung, khi quay trở lại bạn lại có ý tưởng để làm tiếp công việc này.

Không xét khoảng thời gian từ lúc bạn ngừng vấn đề cần giải quyết đến lúc khởi động lại, thông thường ý tưởng mới lại xuất hiện trong đầu cho giải pháp mà bạn cần phải giải quyết sau thời gian sao lãng.

Câu hỏi là, giải pháp đã đến từ đâu trong khi trước đó mọi nổ lực tập trung của bạn để giải quyết đều phải bó tay.

Giải pháp đã đến từ đâu

tâm trí trôi dạt
Sơ đồ tâm trí trôi dạt

 

Nhìn vào biểu đồ trên ta thấy thời gian tập trung là những khoảng thời gian không liên tục, có khi tâm trí bị trôi dạt đâu đó, trong khi trôi dạt, tâm trí thu thập những gợi ý đến từ nhiều nguồn, có gợi ý đã tạo ra giải pháp và khi tập trung, giải pháp lại xuất hiện. Như vậy trong thời gian sao lãng, tâm trí đã đi thu thập thông tin.

Tâm trí đã thu thập thông tin như thế nào

Tính nhạy bén của tư duy (Theo Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ) -Phan Dũng) đã giải thích điều này

 

tính nhạy bén tư duy
Sơ đồ tính nhạy bén tư duy
  • Giả sử vấn đề bạn cần phải giải quyết (hay suy nghĩ) là đường 1
  • Đường 2 là đường cung cấp thông tin (mang tính chất tình cờ, ngẫu nhiên) mang đến thông tin để có thể giải quyết vấn đề của bạn
  • Mối liên kết: khi có được đường 2, trong đầu bạn lập mối liên kết giữa đường 1 và đường 2 xảy ra hiệu ứng (cầu nhảy hoặc đường hầm vượt qua vật cản tâm lý) giúp bạn đưa ra giải pháp của vấn đề.
  •  Vật cản tâm lý (tri thức, công nghệ, luật lệ…)

Các khả năng có thể xảy ra

Các yếu tố

Các khả năng

1

2

3

A Đường 1(cầu) Không có (do người giải không suy nghĩ) Nhạt (suy nghĩ chưa đạt đến mức cần thiết Đậm (do người giải suy nghĩ đạt đến mức cần thiết)
B Đường 2(cung) Không chứa gợi ý Gợi ý dưới dạng ẩn Gợi ý dưới dạng rõ ràng
C Mối liên kết Người giải không khả năng lập mối liên kết Người giải có khả năng lập mối liên kết nhưng mối liên kết lỏng lẻo Người giải lập được mối liên kết chắc chắn
D Vật cản tâm lý Vật cản hầu như không có Vật cản lớn nhưng có thể vượt qua Vật cản lớn không vượt qua được

Mô hình trên có thể giải thích với nhiều tập hợp của A, B, C, D. Tuy nhiên trong bài nói về sao lãng ta chỉ xét đến các khả năng như sau

  1. Các yếu tố không giúp tìm ra giải pháp
  • A1: Bạn cần giải quyết vấn đề nhưng nhu cầu không cấp bách nên đường 1 hầu như không có, vì thế cho dù bạn có B2, B3 là những thông tin có giá trị cũng không giúp bạn có được giải pháp tốt.
  • B1: Thông tin từ các nguồn không chứa gợi ý giá trị để giúp tìm ra giải pháp
  • C1: Có gợi ý từ các nguồn thông tin nhưng bạn vẫn chưa tạo được mối liên kết cần thiết để kết nối gợi ý tạo thành giải pháp
  •  D3: Vật cản quá lớn như tri thức, luật lệ, công nghệ..đã là rào cản nên không thể để đưa ra giải pháp khả thi.

Dựa vào đây có thể thấy, khi không có nhu cầu cầu tìm ra giải pháp cho một vấn đề thì dù bạn có sao lãng bao nhiêu lần thì chắc chắn giải pháp cũng không đến với bạn mặc dù các nguồn thông tin có thể thuận lợi cho bạn.

2. Các yếu tố giúp tìm ra giải pháp chắc chắn

  •  A3: suy nghĩ đạt đến mức cần thiết, nên khi thông tin gợi ý đến dù dưới dạng B2 hay B3 đều  bắt được và lập tức đưa ra giải pháp. (Điều này cũng có nghĩa vấn đề mà bạn cần giải pháp là cấp bách, nó lẩn quẩn trong đầu bạn suốt ngày)
  • B3: Thông tin gợi ý rõ ràng kể cả trong trường hợp mối liên kết D2 lỏng lẻo vẫn có thể tìm ra giải pháp
  •  C3: mối liên kết chắc chắn giúp bắt tất cả các gợi ý dù dưới dạng ẩn
  •  D1: Không có rào cản, không cần gợi ý cũng giải được
  •  D2: bài toán khó cần có gợi ý mới giúp vượt qua rào cản tâm lý.

Dựa vào đây có thể thấy, khi đường 1 càng đậm, nghĩa là vấn đề bạn cần giải quyết là cấp bách, khi sao lãng là lúc tâm trí đi tìm hiểu thêm thông tin có chọn lọc, cân nhắc, đánh giá, loại bỏ các gợi ý không giá trị và bắt ngay các thông tin có giá trị, tạo thành mối liên kết giữa cầu và cung để đưa ra giải pháp cho một vấn đề.

Kết luận

Sao lãng là cần thiết trong sáng tạo, tuy nhiên sự sao lãng này là có chủ ý, có mục tiêu. Nếu không, trong thời gian sao lãng, bạn chỉ suy nghĩ vớ vẩn một vấn đề gì đó không rõ ràng, không liên quan đến mục tiêu bạn cần đạt được thì cho dù bạn có tập trung trở lại, giải pháp cũng không đến với bạn.

Sáng tạo là quá trình đòi hỏi sự kiên trì, nổ lực để vượt qua những rào cản cũng như cần sự kiên nhẫn, sự hiểu biết để thu thập các thông tin có giá trị chứ không phải là chờ mọi thứ từ trên trời rơi xuống.

Hiểu được điều này,để khi đi trên con đường sáng tạo gặp những lúc khó khăn, giúp bạn vững tin và tiếp tục con đường mà hàng vạn người đã đi trước bạn.

Thái Phương

Trang chủ

Các bài viết về sáng tạo

Các khóa học về sáng tạo