Hướng dẫn áp dụng yêu cầu 6.2 về Nhân sự trong ISO 17025:2017

74

Bạn đang loay hoay với yêu cầu 6.2 về Nhân sự trong ISO 17025:2017? Đừng lo lắng! 🤔 Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định và cách áp dụng chúng một cách hiệu quả. Cùng khám phá ngay.

Yêu cầu 6.1

Điều khoản này về cơ bản nói rằng phòng thí nghiệm cần có mọi thứ cần thiết để hoạt động một cách hiệu quả. Điều này bao gồm con người, địa điểm làm việc, máy móc, các phần mềm hỗ trợ và bất kỳ dịch vụ nào khác giúp phòng thí nghiệm thực hiện công việc của mình. Phòng thí nghiệm phải đảm bảo rằng tất cả những thứ này đều sẵn sàng và hoạt động tốt để đảm bảo kết quả thử nghiệm đáng tin cậy.

Ví dụ:

  • Nhân lực: Phòng thử nghiệm cần có đủ số người để thực hiện công việc như nhận mẫu, kiểm nghiệm, trả kết quả, quản lý chất lượng, các nhân viên hỗ trợ khác tùy thuộc vào số mẫu, lĩnh vực thử nghiệm.
  • Cơ sở vật chất: Một phòng thí nghiệm vi sinh cần có không gian làm việc sạch sẽ, được kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, có tủ an toàn sinh học để thao tác với vi sinh vật. Có phân các khu vực để tránh nhiễm chéo.
  • Trang thiết bị: Một phòng thí nghiệm thử nghiệm vật liệu cần có các máy móc như máy kéo nén, máy đo độ cứng, lò nung, được hiệu chuẩn định kỳ.
  • Hệ thống: Phòng thí nghiệm cần có hệ thống quản lý chất lượng. Hệ thống thông tin quản lý phòng thí nghiệm (LIMS) để quản lý mẫu, dữ liệu và báo cáo.
  • Dịch vụ hỗ trợ: như: hiệu chuẩn bảo trì, sửa chữa cung cấp hóa chất, vật tư tiêu hao.

Yêu cầu 6.2.1 Năng lực và khách quan

Mọi người làm việc trong phòng thí nghiệm, dù là nhân viên chính thức hay cộng tác viên bên ngoài. Đều phải có đủ trình độ và kỹ năng để thực hiện công việc được giao. Ngoài ra, phải khách quan, công bằng, không để các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả.

Ví dụ:

  • Một kỹ thuật viên lấy mẫu bên ngoài, mặc dù không phải là nhân viên chính thức. Nhưng việc lấy mẫu sai quy trình có thể ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Do đó kỹ thuật viên này cũng phải được đào tạo và tuân thủ quy trình của phòng thí nghiệm.
  • Nhân viên vận hành máy sắc ký phải được đào tạo bài bản về cách vận hành máy. Họ cũng cần có kiến thức về phân tích sắc ký và hiểu các thông số kỹ thuật liên quan.
  • Khi phân tích mẫu, kỹ thuật viên không được để các yếu tố chủ quan như cảm tính cá nhân, áp lực từ cấp trên hay mối quan hệ với khách hàng ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thí nghiệm và báo cáo kết quả một cách trung thực.

Yêu cầu 6.2.2 Yêu cầu về năng lực cho từng vị trí

Phòng thí nghiệm cần phải viết rõ ràng những yêu cầu cụ thể về trình độ học vấn, bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm… cho từng vị trí công việc. Những yêu cầu này phải đảm bảo rằng người đảm nhiệm vị trí đó có đủ khả năng để thực hiện công việc một cách chính xác.

Ví dụ:

  • Trưởng phòng vi sinh: Yêu cầu có bằng Đại học trở lên chuyên ngành Vi sinh vật học. Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong phòng thí nghiệm vi sinh, có chứng chỉ an toàn sinh học cấp II, có kỹ năng quản lý nhóm.
  • Kỹ thuật viên hóa phân tích: Yêu cầu tốt nghiệp Cao đẳng trở lên chuyên ngành Hóa học, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm sử dụng máy sắc ký khí, có kỹ năng làm việc nhóm tốt.

Yêu cầu 6.2.3 Đảm bảo năng lực

Phòng thí nghiệm phải có cách để đảm bảo rằng nhân viên của mình đủ năng lực. Điều này có thể bao gồm việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng định kỳ, đánh giá hiệu quả công việc.

Một kỹ thuật viên mới chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng máy quang phổ có thể dẫn đến kết quả đo không chính xác. Phòng thí nghiệm cần đánh giá mức độ sai lệch, đào tạo thêm cho kỹ thuật viên và giám sát chặt chẽ hơn trong thời gian đầu.

Nếu kết quả thử nghiệm bị sai lệch do lỗi của thiết bị, phòng thí nghiệm cần xác định nguyên nhân, sửa chữa hoặc thay thế thiết bị, và đánh giá xem sai lệch này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kết quả thử nghiệm khác hay không

Ví dụ:

Tổ chức thi kiểm tra kiến thức và kỹ năng thực hành cho nhân viên 6 tháng một lần. Kết quả để đánh giá năng lực hiện tại của nhân viên và lập kế hoạch đào tạo nếu cần

Yêu cầu 6.2.4 Trao đổi thông tin về nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn

Trưởng phòng phải nói rõ cho từng nhân viên biết họ phải làm gì. Họ chịu trách nhiệm về những việc gì và họ có quyền hạn gì trong công việc. Việc này giúp mọi người hiểu rõ vai trò của mình và làm việc hiệu quả hơn.

Ví dụ:

  • Tổ chức họp đầu tuần để phổ biến kế hoạch công việc, phân công nhiệm vụ nếu có. Nhắc nhở về trách nhiệm báo cáo kết quả đúng thời hạn. Trao đổi về những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc.

Yêu cầu 6.2.5 Thủ tục và hồ sơ cần có

  • Xác định yêu cầu năng lực: Bản mô tả công việc cho từng vị trí. Được cập nhật định kỳ dựa trên yêu cầu công việc và sự thay đổi.
  •  Quy trình tuyển dụng gồm: đăng tin tuyển dụng,  phỏng vấn, kiểm tra kỹ năng, thông báo kết quả. Hồ sơ ứng viên được lưu trữ đầy đủ.
  • Kế hoạch đào tạo cho nhân viên mới, về hệ thống, quy trình kỹ thuật, an toàn phòng thí nghiệm. Hồ sơ đào tạo gồm nội dung đào tạo, thời gian, người đào tạo, và kết quả sau đào tạo.
  • Giám sát nhân sự: Trưởng phòng thực hiện giám sát công việc hàng ngày của các kỹ thuật viên. Ghi nhận các vấn đề phát sinh và kết quả thực hiện vào sổ nhật ký công việc.
  • Trao quyền cho nhân sự: Sau khi đào tạo khóa vận hành máy quang phổ. Có hồ sơ cho phép nhân viên đó được vận hành thiết bị.
  •  Theo dõi năng lực: Hồ sơ đánh giá hàng năm qua các bài kiểm tra lý thuyết, thực hành.

Cần tư vấn, đào tạo, thiết kế phòng vi sinh, xây dựng ISO 17025, ISO 15189 mời gọi Tel 0919 099 777. Email: tuvandaotaotriphuc@gmail.com

Yêu cầu 6.2.6 Trao quyền cho nhân sự thực hiện các hoạt động cụ thể

Phòng thí nghiệm cần chính thức cho phép nhân viên thực hiện các công việc cụ thể sau.

  • Xây dựng, sửa đổi, kiểm tra xác nhận và xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp.

Phòng thí nghiệm chỉ định một nhóm nhân viên có kinh nghiệm, để xây dựng phương pháp. Hồ sơ chỉ định được lưu trữ lại.

  • Phân tích kết quả, kể cả các tuyên bố về sự phù hợp hoặc các ý kiến và diễn giải

Chỉ những người được đào tạo và có kinh nghiệm mới được phép phân tích và đánh giá kết quả. Trưởng phòng sẽ là người đưa ra ý kiến và diễn giải kết quả trong các trường hợp phức tạp.

  • Báo cáo, xem xét và phê duyệt kết quả

Kỹ thuật viên sau khi phân tích xong sẽ tính toán, nhập dữ liệu và lập báo cáo kết quả. Trưởng nhóm sẽ xem xét lại toàn bộ dữ liệu và báo cáo trước khi trình ký. Quyền hạn ký duyệt được quy định rõ trong quy trình của phòng thí nghiệm.

Tóm lại

Hồ sơ chứng minh phòng thử nghiệm có thực hiện yêu cầu này

  • Quy trình tuyển dụng, đào tạo, giám sát đánh giá năng lực nhân sự
  • Bản mô tả công việc
  • Chương trình đào tạo
  • Kết quả đào tạo

Các hồ sơ chỉ định nhân viên thực hiện các công việc như: xây dựng, sửa đổi, kiểm tra xác nhận và xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp. Phân tích kết quả, kể cả các tuyên bố về sự phù hợp hoặc các ý kiến và diễn giải. Báo cáo, xem xét và phê duyệt kết quả.

Cần tư vấn, đào tạo, thiết kế phòng vi sinh, xây dựng ISO 17025, ISO 15189 mời gọi Tel 0919 099 777. Email: tuvandaotaotriphuc@gmail.com

Xem thêm các yêu cầu về rủi ro và cơ hội